Hôm nay, chúng tôi sẽ chia sẻ với quý vị và các bạn về chủ đề “Nồi hơi là gì? Phân loại nồi hơi công nghiệp tại thị trường Việt Nam?”.
1. Nồi hơi là gì?
Chúng ta hiểu đơn giản: Nồi hơi là 1 thiết bị kín có chứa nước, nồi hơi sẽ giúp chuyển hóa năng lượng từ quá trình cháy nhiên liệu sang thành năng lượng của nước thông qua quá trình trao đổi nhiệt trong nồi hơi. Nước sẽ được gia nhiệt nóng lên và chuyển hóa thành hơi nước.
Nồi hơi công nghiệp được ứng dụng trong việc cung cấp năng lượng (hơi – nhiệt – điện) trong hoạt động sản xuất của hầu hết các ngành công nghiệp như: nấu bia, rượu, nước giải khát, sữa, chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, chế biến các ngành thực phẩm, chế biến cao su, sản xuất giấy, may mặc, dệt nhuộm, chế biến dược phẩm,…
2. Phân loại nồi hơi trong công nghiệp tại thị trường Việt Nam.
2.1. Phân loại nồi hơi theo nhiên liệu đốt:
Thông thường, dựa trên loại nhiên liệu cấp vào lò hơi mà người ta có thể chia chúng thành nồi hơi đốt nhiên liệu lỏng và nồi hơi đốt nhiên liệu rắn.
- Nhiên liệu lỏng bao gồm: dầu Diesel, dầu Mazut – thường gọi là dầu FO, khí hóa lỏng…
- Nhiên liệu rắn bao gồm: than, củi, biomass các loại…
Đối với lò hơi đốt nhiên liệu lỏng thường sử dụng phương pháp đốt bằng béc phun. Trên thị trường có rất nhiều loại béc phun khác nhau nhưng chúng đều có 1 nguyên tắc chung là chuyển trạng thái nhiên liệu từ dạng lỏng thành dạng sương rồi hòa trộn với không khí để đốt cháy.
Đối với lò hơi đốt nhiên liệu rắn thì chúng ta lại có sự phân loại theo 3 phương pháp đốt phổ thông như sau:
Loại thứ nhất là: nồi hơi đốt nhiên liệu rắn theo phương pháp ghi tĩnh, phương pháp này thường sử dụng các loại nhiên liệu có kích thước lớn như than đá, củi cây, củi trấu, củi gỗ ép…
Nhiên liệu sẽ được chất đống trên 1 bề mặt ghi cố định có các lỗ thoáng để gió đi từ dưới lên đi qua lớp nhiên liệu.
Kích thước các lỗ ghi phải đủ lớn để đảm bảo không khí có thể đi qua 1 cách dễ dàng, nhưng đây cũng là 1 điểm khiến cho nồi hơi ghi tĩnh không thể sử dụng được các loại nhiên liệu có kích thước nhỏ, vì khi sử dụng các loại nhiên liệu có kích thước nhỏ hơn lỗ ghi, sẽ dẫn tới hiện tượng nhiên liệu bị lọt xuống mặt ghi, gây ra thất thoát nhiên liệu trong quá trình cháy.
Loại thứ hai là: lò hơi đốt nhiên liệu rắn theo phương pháp ghi xích. Phương pháp này thường sử dụng các loại nhiên liệu có kích thước từ phạm vi 10mm – 30mm và có thể trộn thêm nhiên liệu có kích thước lên đến 50mm. Các loại nhiên liệu hiệu quả cho lò hơi ghi xích bao gồm: viên nén, bã điều, than cám indo, than cám Việt Nam, củi băm sấy hoặc phơi khô, củi trấu chặt ngắn, củi gỗ ép chặt ngắn…
Nhiên liệu sẽ được dải đều 1 lớp cố định trên bề mặt ghi chuyển động liên tục, nhiên liệu được đưa vào liên tục ở 1 đầu của ghi xích và tro sỉ sau qúa trình cháy sẽ được đưa ra ngoài liên tục ở đầu kia của ghi xích. Quá trình cấp liệu và thải xi được thực hiện 1 cách liên tục và tự động theo nhu cầu sử dụng hơi.
Ghi xích là 1 hệ thống gồm rất nhiều mắt xích bằng gang sắp lại với nhau thành 1 mặt phẳng, giữa các mắt xích có khe hẹp để gió có thể đi từ dưới lên qua lớp nhiên liệu. Do có các khe hẹp này mà lò hơi ghi xích chỉ đốt hiệu quả đối với những loại nhiên liệu có kích thước lớn hơn 10mm nhằm tránh hiện tượng nhiên liệu lọt qua khe hẹp xuống dưới ghi, gây ra thất thoát nhiên liệu trong quá trình vận hành, hoặc nhiên liệu sẽ làm bít khe hẹp lại ngăn cản việc cấp cấp ô xy cho quá trình cháy làm giảm hiệu suất cháy nhiên liệu.
Loại thứ ba: nồi hơi đốt nhiên liệu rắn theo phương pháp tầng sôi. Phương pháp này thường sử dụng với các loại nhiên liệu có kích thước nhỏ từ 0 – 30mm. Các loại nhiên liệu hiệu quả đối với nồi hơi tầng sôi bao gồm: trấu, trấu nghiền, mùn cưa, bã điều, vỏ cà phê, củi băm, viên nén, than cám indo, than cám Việt Nam, rác ván lạng… và các loại nhiên liệu sinh khối khác.
Ghi tầng sôi bao gồm có rất nhiều núm gió được bố trí đều trên mặt ghi, các lỗ gió trên núm gió nằm ngang hoặc xéo xuống 1 góc 6 độ đến 15 độ. Chính vì lỗ gió có thiết kế nằm ngang nên nhiên liệu không thể chui lọt được qua các lỗ này. Nhờ đó mà công nghệ tầng sôi có thể đốt được các loại nhiên liệu có kích thước nhỏ không giới hạn.
Khi sử dụng những loại nhiên liệu khó bắt cháy hoặc bắt cháy ở nhiệt độ cao như than antraxit của Việt Nam, than bùn… thì chúng ta phải bổ sung 1 lớp cát trơ hoặc lớp vật liệu trơ vào trong buồng đốt của lò hơi tầng sôi. Trong quá trình cháy, lớp cát này luôn được gia nhiệt ở 1 nhiệt độ cao lên tới 800 – 950 oC. Khi nhiên liệu khó cháy gặp khối cát nóng này sẽ khiến cho nhiên liệu có thể bốc cháy tức thời nhờ đó mà quá trình cháy có thể diễn ra liên tục.
Còn đối với các loại nhiên liệu có chất bốc cao như biomass, than indo… thì có thể không cần phải sử dụng lớp cát đệm.
Ngoài ra còn có thêm 1 công nghệ nữa là công nghệ buồng đốt phun, công nghệ này thường sử dụng trong các nhà máy nhiệt điện và ít sử dụng trong công nghiệp nhỏ nên chúng ta sẽ không đề cập đến trong video này.
2.2. Phân loại nồi hơi theo cấu tạo
Loại thứ nhất là nồi hơi ống lửa: đây là loại nồi hơi có các ống trao đổi nhiệt có khói đi trong ống và các ống được ngâm trong nước. Loại nồi hơi này thường dùng đối với dải công suất nhỏ.
Loại thứ hai là nồi hơi ống nước: đây là loại nồi hơi có các ống trao đổi nhiệt có khói đi ngoài ống và nước đi trong ống.
Loại thứ ba là loại nồi hơi tổ hợp ống nước – ống lửa: đây là loại nồi hơi có buồng đốt được cấu tạo bởi các ống nước bao quanh, thân lò được cấu tạo là các ống lửa. Kiểu lò hơi tổ hợp này thường dùng với dải công suất nhỏ hơn 30 tấn hơi/giờ.
Trên đây là toàn bộ phần chia sẻ của PREBECC về khái niệm nồi hơi là gì và phân loại nồi hơi công nghiệp tại Việt Nam. Đây là một phần kiến thức hạn hẹp mà chúng tôi có được, nếu chưa hợp lý chỗ nào rất mong quý vị và các bạn cho xin ý kiến đóng góp dưới phần comment.
Rất mong sự chia sẻ này của PREBECC sẽ đem lại chút hữu ích cho quý vị và các bạn.
Xin cảm ơn!